👉Hợp Đồng Điện Tử Là Gì? Cách Ký Hợp Đồng Điện Tử Hợp Pháp

Hợp đồng điện tử
Hợp đồng điện tử
5/5 - (1 bình chọn)

** Hợp đồng điện tử hiện đang là xu hướng tất yếu của thời đại, là bước đệm để các doanh nghiệp bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số toàn cầu, giúp doanh nghiệp giảm bớt khoảng cách trong giao dịch thương mại, nâng cao tối đa hiệu suất kinh doanh và tiếp cận khách hàng tiềm năng. Vậy hợp đồng điện tử là gì? Hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý không? Cách ký hợp đồng điện tử như thế nào? Trong bài viết hôm nay Thủ thuật PC cùng các bạn sẽ thảo luận về hình thức hợp đồng này.

>> Tìm hiểu: Hợp đồng điện tử E-CONTRACT

1. Khái niệm hợp đồng điện tử là gì?

Hợp đồng điện tử
Hợp đồng điện tử là gì?

Theo nội dung được quy định tại Điều 33, Luật giao dịch điện tử 2005 quy định về Hợp đồng đồng điện tử thì:

“Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này.”

Trong đó:

“Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác.”

Như vậy, có thể hiểu Hợp đồng điện tử là loại hợp đồng mà các bên tham gia thỏa thuận về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ được gửi đi, nhận lại và lưu trữ thông qua các phương tiện điện tử như công nghệ điện tử, kỹ thuật số, quang học cùng các phương tiện điện tử khác.

2. Đặc điểm nổi bật của hợp đồng điện tử

Hợp đồng điện tử
Đặc điểm của Hợp đồng điện tử

📌 Hình thức thể hiện: Thể hiện bằng thông điệp dữ liệu

Đặc điểm nổi bật nhất của hợp đồng điện tử là hình thức thể hiện: Hợp đồng điện tử được giao kết bằng thông điệp dữ liệu. Tất cả các đề nghị giao kết, chấp nhận giao kết, nhận, gửi, lưu trữ hợp đồng đều được thực hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.

📌Chủ thể tham gia hợp đồng: Có sự tham gia của ít nhất 3 chủ thể

Bên cạnh các chủ thể trong các giao kết hợp đồng thông thường là bên bán và bên mua thì trong hợp đồng điện tử còn có sự xuất hiện của bên thứ ba có liên quan chặt chẽ đến hợp đồng điện tử – đó là các nhà cung cấp dịch vụ mạng, các cơ quan chứng thực chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử. Bên thứ 3 này không tham gia vào quá trình đàm phán, giao kết hay thực hiện hợp đồng điện tử mà chỉ tham gia để hỗ trợ các bên thực hiện hợp đồng để đảm bảo tính hiệu quả và giá trị pháp lý cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử

📌 Cách thức giao kết và thực hiện:

Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên tham gia trong hợp đồng điện tử có quyền thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử trong giao kết và thực hiện hợp đồng; thỏa thuận về các yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó. Tuy nhiên, việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp đồng;

📌 Phạm vi áp dụng hợp đồng điện tử: Có phần bị hạn chế

Theo quy định của Luật Giao dịch điện tử 2005 thì các giao dịch điện tử được áp dụng trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, lao động, dân sự và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.

Tuy nhiên, hợp đồng điện tử lại không được áp dụng đối với các trường hợp: văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.

📌 Tính chất:

  • Tính phi biên giới:

Trong giao dịch điện tử, các bên tham gia giao kết hợp đồng thực hiện việc truyền nhận các thông tin, dữ liệu thông qua một hệ thống mạng mang tính toàn cầu, do đó, hợp đồng điện tử không bị ảnh hưởng bởi biên giới, lãnh thổ hày vùng miền…. Các bên tham gia giao dịch trong hợp đồng đều có thể thực hiện giao kết với đối tác dù đang ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào mà chỉ cần đảm bảo có kết nối internet.

  • Tính vô hình, phi vật chất:

Do được thực hiện trong môi trường điện tử tồn tại, được lưu trữ, được chứng minh bởi các dữ liệu điện tử không thể sờ thấy hay cầm nắm một cách vật chất nên hợp đồng điện tử mang tính vô hình, phi vật chất

  • Tính hiện đại, chính xác:

Tính hiện đại của hợp đồng điện tử được thể hiện ở chỗ hợp đồng điện tử được thực hiện dựa trên cơ sở sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Việc sử dụng các công nghệ đảm bảo tính chính xác cho các giao dịch được thực hiện trong môi trường điện tử. Trong thời đại công nghệ số phát triển như vũ bão hiện nay, hợp đồng điện tử đã và đang trở thành xu hướng mới thay thế dần hợp đồng giấy truyền thống.

>> Đừng bỏ lỡ: [Review] Top 5+ Phần Mềm Hợp Đồng Điện Tử Cần Thiết Cho Doanh Nghiệp Hiện Nay

3. Hợp đồng điện tử có được thừa nhận giá trị pháp lý không?

Hợp đồng điện tử
Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử

Theo nội dung quy định tại Điều 34 Luật giao dịch điện tử 2005 có quy định thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử:

“Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.”

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 1,2 Điều 14 Luật này cũng quy định về thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ:

“1. Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.

2. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.”

Như vậy, từ 2 quy định nêu trên thì hợp đồng điện tử được pháp luật công nhận tính pháp lý và được sử dụng làm chứng cứ để giải quyết tranh chấp trong trường hợp 1 trong các bên không thực hiện hợp đồng hoặc vi phạm điều khoản của hợp đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo giá trị pháp lý, hợp đồng điện tử cần phải đảm bảo:

  • Nội dung hợp đồng phải toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng thông điệp hoàn chỉnh (chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, nhận, lưu trữ hoặc hiển thị).
  • Nội dung của thông điệp dữ liệu có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết (có thể mở, đọc, xem được bằng phương pháp mã hoá hợp pháp đảm bảo độ chính xác, tin cậy mà các bên đã thỏa thuận với nhau).

4. Các loại hợp đồng điện tử

Hợp đồng điện tử
Các loại hợp đồng điện tử

Hiện nay, hợp đồng điện tử được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực: từ thương mại, lao động đến dân sự. Vì thế, về cơ bản có thể chia hợp đồng điện tử thành 3 loại:

✔ Hợp đồng thương mại điện tử

Luật mẫu của UNCITRAL về thương mại điện tử cũng như các bộ luật khác không đưa ra định nghĩa thế nào là hợp đồng thương mại điện tử nhưng có đưa ra quy định thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng được xác lập thông qua các phương tiện điện tử.

Như vậy, có thể hiểu: hợp đồng thương mại điện tử là hợp đồng thương mại được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật Giao dịch điện tử.

✔ Hợp đồng lao động điện tử

Bộ Luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 đã quy định nhiều điểm mới trong đó đặc biệt là điểm thay đổi quan trọng về hợp đồng lao động.

Cụ thể, căn cứ theo Điều 14 Bộ Luật lao động 2019 hình thức hợp đồng điện tử được chính thức công nhận tương đương giá trị với hợp đồng văn bản.

“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.”

Như vây, hợp đồng lao động điện tử là thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công (trong đó quy định điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động) được lập dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Mọi tranh chấp phát sinh giữa người sử dụng lao động và người lao động đều được giải quyết theo quy định của các luật liên quan, không phân biệt hình thức hợp đồng mà hai bên đã ký kết.

✔ Hợp đồng điện tử áp dụng trong các giao dịch dân sự (Hợp đồng dân sự điện tử)

Theo quy định tại Điều 119, Bộ Luật dân sự 2015 có quy định về hình thức giao dịch dân sự:

“Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.”

Như vậy, hợp đồng dân sự điện tử là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được lập dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Một số hoạt động giao dịch dân sự không áp dụng hình thức hợp đồng điện tử: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hồi phiếu và các giấy tờ khác.

5. Cách ký hợp đồng điện tử

Một hợp đồng được thiết lập trên giấy thường phải có chữ ký tay của các bên nhằm khẳng định sự đồng ý của các bên về những thỏa thuận trong hợp đồng. Đối với hợp đồng điện tử cũng cần có chữ ký của các bên, tuy nhiên thay vì sử dụng chữ ký tay như hợp đồng giấy thì hợp đồng điện tử ký hợp đồng bằng chữ ký điện tử và không bắt buộc phải có con dấu.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Luật giao dịch điện tử 2005:

“Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký.”

Hiện nay, pháp luật Việt Nam cũng chỉ mới công nhận hiệu lực của các hợp đồng được lập bằng hình thức điện tử và ký hợp đồng bằng chữ ký số. Chữ ký số cũng đã được công nhận là chứng cứ trong việc gửi tài liệu cho tòa án và không làm phát sinh vấn đề về hiệu lực.

Hợp đồng điện tử
Cách ký hợp đồng điện tử

Như vậy, để ký hợp đồng điện tử rất đơn giản, không cần cả 2 bên phải sử dụng phần mềm hợp đồng điện tử mà chỉ cần 1 bên sử dụng hợp đồng điện tử, bên còn lại chỉ cần có chữ ký số. Đối với khách hàng không phải là doanh nghiệp và không có chữ ký số thì có thể sử dụng chữ ký ảnh, chữ ký OTP…để ký hợp đồng điện tử.

Ví dụ:

Bên A và bên B có một hợp đồng cần ký. Bên A đang sử dụng hợp đồng điện tử EFY-eCONTRACT nhưng bên B thì không sử dụng hợp đồng điện tử.

Để giao kết hợp đồng điện tử giữa bên A với bên B:

  • Bên A sẽ tạo lập và ký hợp đồng, hệ thống sẽ tự động gửi hợp đồng vào email của đối tác là bên B.
  • Bên B nhận được thông tin hợp đồng trong email bao gồm: link, ID, Pass hợp đồng và thực hiện truy cập hợp đồng và sử dụng chữ ký số, chữ ký số từ xa, chữ ký số HSM để ký ký hợp đồng.
  • Khi bên B hoàn thành việc ký hợp đồng, hệ thống hợp đồng điện tử của bên A sẽ tự động chuyển trạng thái hợp đồng từ chờ ký thành đã ký => Ký hợp đồng điện tử thành công.
    Trường hợp bên B không phải doanh nghiệp và không có chữ ký số bên B có thể lựa chọn chữ ký ảnh hoặc chữ ký OTP (được gửi vào SĐT, email của bên B).

>> Tham khảo chi tiết: Cách ký hợp đồng điện tử

Trên đây là chi tiết thông tin về hợp đồng điện tử là gì và cách ký hợp đồng điện tử. Hy vọng những chia sẻ trên đây của Thủ thuật PC sẽ giúp bạn hiểu thêm về hình thức hợp đồng mới đang là xu hướng hiện nay.

Các tìm kiếm liên quan đến Hợp đồng điện tử

  • Báo giá hợp đồng điện tử
  • Dịch vụ hợp đồng điện tử
  • Cách ký hợp đồng điện tử Điện lực
  • Hợp đồng điện tử là gì lấy ví dụ minh hoạ
  • Tranh chấp về hợp đồng điện tử
  • Quy trình thực hiện hợp đồng điện tử
  • Luật giao dịch điện tử

Giới thiệu Đức Minh 431 bài viết
Mình là Đức Minh, admin của thuthuatpc.vn. Là một người yêu công nghệ, yêu viết lách. Mong rằng đến với thuthuatpc bạn có thể có cho mình những thông tin hữu ích, những kiến thức về Công nghệ, thủ thuật, máy tính, word, excel...